Ngày 9-1-2023 (nhằm ngày 18 tháng Chạp năm Nhâm Dần), UBND xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm tổ chức lễ giỗ 286 người dân bị thảm sát ngày 19 tháng Chạp năm Bính Tuất (nhằm ngày 10 tháng 1 năm 1947) còn gọi là lễ giỗ hội Cầu Hòa tại nhà tưởng niệm di tích các chứng tích về cuộc thảm sát 286 người dân vô tội do thực dân pháp tiến hành năm 1947 (ấp Cầu Hòa, xã Phong Nẫm).
Di tích được chỉnh trang chuẩn bị phục vụ lễ giỗ.
Xã Phong Nẫm là nơi có phong trào cách mạng phát triển mạnh, là tuyến phòng thủ quan trọng trong việc kiểm soát đường thủy từ kinh Chẹt Sậy đến Vàm An Hóa, có hệ thống giao thông thủy nối thị xã Bến Tre với Mỹ Tho. Trước đó, thực dân Pháp đã thực hiện nhiều cuộc càn quét các xã trong khu vực nhưng được sự đùm bọc, che chở của nhân dân nên lực lượng cách mạng không bị tổn thất. Do đó, chúng quay sang đàn áp, khủng bố nhân dân để bà con khiếp sợ, không còn là chỗ dựa cho cách mạng.
Rạng sáng ngày 10 tháng 1 năm 1947 (tức ngày 19 tháng Chạp năm Bính Tuất), một chiếc đò máy chạy từ phía An Hóa chở theo 2 trung đội lính Lê Dương do tên thiếu úy Leon Leroy chỉ huy tiến vào kênh Chẹt Sậy, chúng đổ bộ lên Vàm Hàn rồi chia 2 cánh tiến vào ấp 2 xã Phong Nẫm và ấp Cầu Hòa. Tại ấp Cầu Hòa, chúng thảm sát, giết hại nhiều người dân đa số là người già, trẻ em, phụ nữ, chúng cướp bóc tài sản, đập phá đồ đạc rồi đốt nhà. Cánh còn lại theo dòng Kinh Cũ tiến vào ấp 2, đi tới đâu chúng đốt tới đấy, gặp gì giết nấy. Cuộc thảm sát kéo dài tới 11 giờ trưa, rồi chúng hợp quân xuống đò về An Hóa.
Sau khi bọn giặc rút đi, những người còn sống trở về tìm người thân, nhưng trước mắt chỉ là một cảnh tượng hãi hùng, nhà cửa tan hoang, người chết nằm la liệt không còn nhận dạng được. Người sống phải nén nổi đau, đi tìm thi thể người bị thảm sát chôn thành những nấm mồ tập thể. Trong cuộc thảm sát này có tổng cộng 286 người dân vô tội bị giết và gần 100 ngôi nhà bị đốt. Trong đó, có gia đình bị tàn sát hết 17 người và có gia đình không còn một ai sống sót.
Căm thù trước sự dã man của giặc, biến đau thương thành sức mạnh, hàng trăm thanh niên địa phương đã lên đường giết giặc, báo thù cho người thân và đồng bào. Năm 1985, Đảng bộ và nhân dân xã Phong Nẫm đã xây dựng bia tưởng niệm tại ngã tư Cầu Hoà. Năm 2005, Sở Văn hóa - Thông tin Bến Tre (nay là Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đầu tư xây dựng bia và nhà tưởng niệm để tưởng nhớ các nạn nhân bị thảm sát. Di tích được xếp hạng Quốc gia vào ngày 19-1-2001 theo Quyết định số 04/2001/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Lễ giỗ là dịp để dâng nén tâm hương cho vong linh những người đã khuất và cầu nguyện cho thôn xóm yên vui, nhà nhà hạnh phúc. Di tích là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ để ôn lại truyền thống đấu tranh của nhân dân ta.
Dù ai bận việc đâu xa
Mười Chín tháng Chạp Cầu Hòa giỗ chung.
Nguồn: Báo Đồng Khởi